Triển lãm đồ họa mở Đồng vọng trưng bày các tác phẩm đồ họa mới của 8 tác giả là giảng viên cơ hữu,ẻđẹpmớicủanghệthuậtđồhọatrongtriểnlãmĐồngvọnhà nước giảng viên thỉnh giảng và cựu sinh viên khoa Đồ họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Triển lãm giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp mới của nghệ thuật đồ họa tranh in theo hình thức mở, ở đó những câu chuyện, hình ảnh xa xưa như Tiên nữ - cánh diều và mái đình, Cá chép hóa rồng, Chiếc quạt của bà, Non cao đường dài, Vinh quy bái tổ,… được khai thác theo các góc sáng tạo cá nhân, nhưng cùng có chung cách nhìn về những giá trị truyền thống, về đạo học, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong mỹ thuật.
"Các tác phẩm tham gia triển lãm mang hơi thở hiện đại, mới mẻ, có tính tương tác cao với không gian thực địa, mang lại cảm nhận rõ về ý nghĩa nội dung nghệ thuật. Đó còn là những đối thoại, là tình yêu với di sản của các tác giả qua các hình tượng nghệ thuật", Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà phê bình lý luận Mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh cho biết.
Một thập kỷ gần đây, thuật ngữ "đồ họa mở" đã xuất hiện và đang dần được biết tới trong cộng đồng sáng tác và đào tạo ngành Đồ họa ở Hà Nội. Đồ họa mở là cách gọi đã được Việt hóa để có thể bao hàm một cách tối đa những hình thức biểu đạt mới của nghệ thuật đồ họa, kết nối với các nghệ thuật khác.
Trong đó, chủ yếu là đưa các hình ảnh, hình tượng đồ họa từ không gian 2 chiều truyền thống sang không gian 3 chiều của điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn với sự tham gia của ánh sáng và cả âm thanh.
Theo ông Nguyễn Nghĩa Phương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trong những tác giả có tác phẩm tham gia triển lãm, cho biết trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám đậm chất truyền thống, điểm nhấn về giao lưu văn hóa, nghệ thuật và du lịch của Hà Nội, các tác giả hy vọng đưa nghệ thuật đồ họa tới gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên bản đồng ca bằng ngôn ngữ, âm thanh của đường nét, mực in trên các chất liệu, kỹ thuật đa dạng dựa trên ký ức xa xưa đến cảm thức hiện tại.
Bên trong mỗi tác phẩm tại triển lãm, mỗi sự liên kết, đối ngẫu của các hình thể xa xưa và các biểu tượng, ký hiệu cho thời hiện tại, cho tiếng nói cá nhân, người xem còn được khám phá những nét riêng của mỗi kỹ thuật, phương pháp, chất liệu thể hiện tranh in.
Vẻ đẹp của tranh khắc gỗ, khắc cao su, hay in nổi, in lõm được lạ hóa khi ở trong trạng thái và không gian 3 chiều thực, tương tác với chuyển động gió, với kiến trúc và ánh sáng, với người xem…
Tất cả nhằm đem lại sự cảm nhận tích cực nhất cho người xem ở mặt thị giác và nội dung nghệ thuật; cho mối quan hệ người xem - tác phẩm - tác giả trở nên gần gũi, cởi mở… để cùng cất lên tiếng nói đồng thanh vọng từ quá khứ đến hôm nay và mai sau.
Tác phẩm tham gia triển lãm của tác giả Nguyễn Dung được khắc họa bằng tay và lấy ý tưởng từ hình ảnh Khuê Văn Các, một biểu tượng chính thức của TP.Hà Nội. Theo nữ họa sĩ này, với nhiều người, Hà Nội có thể là chốn đô thị phồn hoa nhưng nơi đây lại gửi gắm nhiều tâm tư, xúc cảm của giới họa sĩ.
Triển lãm đồ họa mở Đồng vọng diễn ra từ 12.10 - 6.11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.